NOTE 12: ‘CÔNG NGHỆ’ LUYỆN THI Ở VIỆT NAM LÀM LỆCH CHUẨN ĐÁNH GIÁ TIẾNG ANH
Trong bài chia sẻ gần đây nhất về khoảng cách giữa tiếng Anh thông dụng, IELTS và tiếng Anh học thuật (trong khoa học), tôi đã cố gắng lý giải sự khác nhau của mỗi chương trình học xét trên lý thuyết và một phần thực tế đang diễn ra tại Việt Nam với mức độ lệch chuẩn ngày càng lớn (xét trên kết quả của các kỳ thi đánh giá trình độ tiếng Anh như TOEIC, IELTS, TOEFL …) Mặc dù đó là những bài kiểm tra tiếng Anh uy tín nhất hiện nay, được nhiều trường đại học uy tín thế giới chấp nhận và cũng được nhiều cơ quan xuất nhập cảnh dùng để làm tiêu chí cấp visa, nhưng cách đánh giá đó đã có phần lệch chuẩn khi ‘công nghệ’ luyện thi ở Việt Nam đã bùng phát trong những năm gần đây.

NOTE 12: ‘CÔNG NGHỆ’ LUYỆN THI Ở VIỆT NAM LÀM LỆCH CHUẨN ĐÁNH GIÁ TIẾNG ANH
Nhìn rõ hơn vấn đề này ở mức đánh giá của tổ chức quốc tế EF (trụ sở đặt tại Thụy Sĩ) vào cuối năm 2015 dựa trên kết quả thi của các bài kiểm tra tiếng Anh như TOEIC, IELTS, TOEFL thì Việt Nam đứng thứ 29 trên tổng số 70 nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (1). Nổi bậc nhất là người Việt được đánh giá cao hơn cả người Thái và Nhật ở khả năng Anh ngữ. Trong khi đó, số nhà khoa học có các tương tác quốc tế thông qua tiếng Anh như: niêm yết bài báo khoa học, giao dịch thương mại, du lịch … đều cách xa Việt Nam (2). Điều này dấy lên hoài nghi về kết quả khảo sát ở Việt Nam thông qua những chứng chỉ trên.
Nếu dựa vào số điểm mà người Việt đạt được qua các kỳ thi trên để tin rằng trình độ Anh ngữ thực sự đúng như các mô tả theo từng mốc điểm, ví dụ: TOEIC 5-990 (không biết gì về tiếng Anh cho tới thành thạo tiếng Anh ). Thì ở mức điểm tầm 600 điểm được đánh giá ở mức trung cấp về khả năng giao tiếp tiếng Anh. Nhưng quả thực không khó để tìm ra nhiều ứng viên Việt Nam đã đạt được điểm trên 600 hoặc thấm chí hơn 700 điểm nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh rất hạn chế.
Liệu điều này nằm ở cách đánh giá của các kỳ thi chuẩn hóa tiếng Anh, hay nằm ở một khía cạnh khác?
Chắc chắn bạn sẽ không thể phàn nàn nhiều về những kỳ thi này với mức uy tín cao và được áp dụng trên toàn cầu. Các bài thi đều được nghiên cứu kỹ bởi các chuyên gia và thường xuyên có những đợt khảo sát để kiểm tra chất lượng và mức độ chính xác của từng thang điểm.
Thật vậy, khi những bài thi tiếng Anh này được áp dụng ở những nước khác như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Phillipin … thì ức độ tin cậy sẽ cao so với chúng được áp dụng tại Việt Nam. Vấn đề hoàn toàn nằm ở 2 điều: cách thức phổ biến chương trình (đặc biệt của TOEIC, IELTS) và một thị trường luyện thi tiếng Anh dị biệt.
Nếu bạn có dịp đi du lịch tới các thành phố lớn của các nước đang phát triển và những nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, bạn sẽ nhận thấy số lượng trung tâm Anh ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh là dày đặc hơn hết. Có lẽ không có một thị trường nào tốt hơn Việt Nam ở Châu Á (ngoài Trung Quốc với số dân quá đông) khi mà thời gian, tiền bạc và quyết tâm của người học tiếng Anh khá cao cho việc học và luyện thi tiếng Anh. Và rằng cách phổ biến các tiêu chuẩn tiếng Anh quốc tế dần phổ biến không chỉ ở các trường chính quy mà còn ở các trung tâm Anh ngữ như một sự thúc đẩy lớn cho phong trào nhà-nhà học tiếng Anh, người-người luyện thi tiếng Anh.
Bên cạnh yếu tố tích cực khi tiếng Anh trở nên gần gũi hơn với người Việt, nhưng mức độ hiểu biết về các kỳ thi, cũng như bản chất của nó thì ít ai nhận ra. Sẽ dễ dàng hơn nếu các nhà giáo dục nhìn vào các câu hỏi trong các bài thi, và cách thức luyện tập trước các kỳ thi ở Việt Nam rõ ràng là “rất tối ưu” nếu chỉ nhìn vào số điểm đạt được sau các kỳ thi. Tuy nhiên, nếu một người Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ tiếp cận một kỳ thi tiếng Anh có lẽ điều họ cần là trải qua một khóa ngắn hạn để tìm hiểu về đề thi và các yêu cầu của đề bài, trong khi đó người Việt lại dành ra hàng tháng, hàng năm liền để tập trung vào các chỉ dẫn (tips) để làm sao có được kết quả đúng nhất (bằng mọi cách, và thậm chí vẫn có đáp án đúng khi không hiểu nội dung câu hỏi). Nhiều thí sinh có thể đã học và thi những kỳ thi như Toeic, IELTS lên đến hơn 5 lần.
Đánh giá tiếng Anh là gì?
Tại sao tiêu chuẩn đánh giá uy tín của của những tín chỉ Anh ngữ như trên lại có khả năng bị lệch chuẩn khi áp dụng ở Việt Nam?
Nếu nhìn vào những thay đổi của các đề thi tiếng Anh khi áp dụng tại Việt Nam trong những năm gần đây, bạn sẽ dễ dàng nhận ra các câu hỏi càng ngày càng khó hơn và giảm dần những câu hỏi mang tính phổ quát và thông dụng. Thay vào đó là các câu hỏi mang tính học thuật và chứa đựng nhiều từ vựng hiếm gặp hơn so với các tình huống thông dụng trong giao tiếp thực tế (TOEIC), cũng như trong các tình huống tương tác học thuật thông thường (IELTS, TOEFL). Trong khi đó, các mô tả ở mỗi thang điểm thì vẫn không có gì thay đổi so với trước đây.
Mới đọc qua có lẽ bạn sẽ đồng tình ngay với cách cho đề như vậy từ các chứng chỉ trên, vì nó đánh giá chính xác hơn khả năng của các ứng viên, đặc biệt là tránh tình trạng đoán đề. Nhưng có 2 hệ lụy mà những thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ phải trải qua nếu không có nỗ lực nào khác để cải thiện:
- Thứ nhất: Sẽ là thiệt thòi lớn nếu người học tiếng Anh theo hướng thông thường và dành ít thời gian để luyện thi. Họ chắc hẳn sẽ nhận số điểm thấp hơn mặc dù khả năng thật sự sẽ cao hơn những ứng viên khác. Bạn sẽ hỏi: Tại sao họ lại không luyện thi để có số điểm cao hơn?- Như vậy, thử hỏi mọi người đang học tiếng Anh để giỏi lên hay tự bán mình cho những trào lưu không mang nhiều ý nghĩa.
- Thứ hai: Những bài thi này đóng vai trò là những bài kiểm tra chất lượng “test” chứ không phải loại bài “exam” (phụ thuộc vào chương trình đào tạo). Nếu đề bài ngày càng ít sự phổ biến, dùng nhiều từ vựng hiếm gặp, áp dụng những điều mà thực tế ít xảy ra thì chắc chắn nó sẽ đi xa hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn ban đầu mà nó được xác lập.
Hai điều trên cũng chính là những tái hiện tương tự trong ‘cỗ máy luyện thi’ ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Từ luyện thi các môn học trên trường cho đến luyện thi Đại học rồi bây giờ ‘tàn phá’ luôn những chứng chỉ quốc tế.
Bạn có bao giờ hỏi tại sao chương trình học toán, tiếng Anh hay bất kỳ môn nào ở Việt Nam đều khó hơn các nước? Tại sao các đề thi lúc nào nhìn vào cũng khó nhằn mà kết quả đầu ra thực sự rất tệ hại? Câu hỏi trên không chỉ dành cho các nhà giáo dục, mà dành cho cả các bạn. Hãy thử hình dung một chương trình học tiếng Anh nhân bản hơn nói riêng và một hệ thống giao dục không nặng hình thức nói chung để con em ta không phải hoảng sợ trước chi phí để được khen tặng là ‘học sinh giỏi’ với cái vỏ thật mong manh như thế.